Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Kỳ Nhông 7 món - những món ăn đặc sản


Dông 7 món 

Đến Ninh Thuận được nhiều “chiến hữu” chiêu đãi món nhậu đặc sắc: dông 7 món. Những tay đầu bếp ở Ninh Thuận chế biến thịt dông thành 7 món rất sành điệu: gỏi dông, chả dông, dông nướng, dông rôti, dông hấp, dông nấu dưa hồng và cháo dông. 


Dông là loại bò sát sinh sống trong hang trên những vùng đồi cát nóng. Thức ăn chính của con dông chủ yếu là chồi non từ cây xương rồng, cỏ dại. Người dân địa phương đặt bẫy hoặc đào bắt chúng ở trong hang dưới lòng đất sâu chừng 1,5m. Thịt dông thơm, trắng như thịt gà, rất ngọt, chắc, xương rất mềm nhưng da thì dòn sừn sựt. 

Làm gỏi dông rất công phu, phải có "bí quyết" nhà nghề mới chế biến được. Làm sạch ruột, lột da, đưa vào lò nướng, khi thịt dông vàng mới lấy ra. Sau đó băm nhuyễn, xào chín và trộn với trái cóc hoặc xoài cắt chỉ nhỏ, rau thơm, đậu phộng rang giòn và đặc biệt phải có "lá xoài dông", một thứ lá cây mọc trên các vách đá vùng khô hạn, có vị chát. Gỏi dông ăn chung với bánh tráng dày, nhiều mè, xúc mãi không chán. 

Hấp dẫn hơn là món dông nướng. Có hai cách để làm dông nướng, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Dông nướng để nguyên da, và dông nướng ướp muối ớt sau khi đã lột da. Ngon nhất trong con dông nướng là mật và trứng dông. Mật dông có vị béo nhân nhẩn và để lại cái hậu thật ngọt. Trứng dông rất béo, bùi bùi dùng không ngán, được xem là một loại sơn hào hải vị. 

Tương truyền, ở làng Mỹ Tường (Ninh Thuận), nơi có rất nhiều dông sinh sống, trong lễ vật thách cưới vợ của người dân địa phương phải có một thúng trứng dông, những cái trứng đó chỉ to bằng đầu ngón tay út trẻ em. Rất may tục lệ đó đã bị loại bỏ, nếu không thì nhiều trai làng Mỹ Tường ngày nay đã... ế vợ! 

Dông nướng chấm muối ớt chanh, kèm với lá xoài dông vừa cay lại vừa chua, có hương vị đặc trưng. Xương dông rất mềm, nhai trong miệng lụp bụp, nhâm nhi với ly rượu thuốc thật thú vị. 

Thưởng thức dông 7 món phải tuân theo thứ tự, trước hết là gỏi, hấp, rôti... và cháo dông là món sau cùng vừa ấm bụng mà lại cảm nhận được hương vị của từng món ăn.

ST

Nuôi nhông ở vùng cát Tam Thanh

Mới thử nghiệm nhưng mô hình nuôi nhông (con dông) trên vùng cát Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) có nhiều khả năng sẽ cho thu nhập ổn định, gợi mở một mô hình chăn nuôi độc đáo của nông dân vùng cát.


Trang trại nuôi nhông của ông Ngô Văn Thận, thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh khác lạ so với bao trang trại chăn nuôi khác, bởi loài nhông sinh sống chủ yếu trong lòng đất, chỉ nhô lên mặt đất những lúc kiếm ăn. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi nhông ở vùng cát tỉnh Bình Thuận, cách đây 3 tháng, ông Thận mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi nhông. Đầu tiên, ông bỏ ra 10 triệu đồng mua 1.000 con nhông giống và hơn 5 triệu đồng xây 100m2 tường gạch bao kín. 

Giống nhông của ông Thận một nửa là nhông ta và một nửa lai Nhật. Nhông nuôi khoảng 4-5 tháng, có thể xuất bán. Nếu thổ nhưỡng và nguồn thức ăn tốt, một con nhông có thể cho trọng lượng 0,5 - 0,7kg. Thức ăn cho nhông là rau quả các loại. Ông Thận cho biết: “Các loại thức ăn cho nhông đều tận dụng từ hoa màu. Nhông thời kỳ 1-2 tháng, gần như không tốn kém một đồng mua thức ăn. Nhưng từ tháng thứ ba trở lên, do thúc cho nhông chóng lớn để xuất bán ra thị trường, nên tốn khoảng hơn 10 nghìn đồng tiền mua thức ăn cho nhông mỗi ngày”. Theo lời ông Thận, nhông là giống có khả năng kháng bệnh cao, hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng cát Quảng Nam. Qua theo dõi, nhông ở vùng cát Tam Thanh sinh trưởng, chóng lớn không thua gì “xứ sở” nhông Bình Thuận. Hiện tại, 1kg nhông bán ra thị trường có giá dao động từ 250-300 nghìn đồng. Dù nhông của ông Thận mới 3 tháng tuổi, nhưng có con đã đạt khoảng 2,5 lạng. Ông Thận nhẩm tính: khoảng 5 -6 con nhông cho thịt 1kg, thì sẽ có lãi gấp đôi. Ước tính nếu xuất bán toàn bộ lúc này, đủ thu về không dưới 20 triệu đồng. “Nuôi nhông không sợ rủi ro như chăn nuôi nhiều con vật khác. Tôi đã làm thủ tục xin chính quyền địa phương cho một ít đất để mở rộng trang trại của mình quy mô lớn hơn. Nếu có vốn, sẽ nhân giống đàn nhông lên 5.000 con” - ông Thận cho hay.  

Đây là mô hình nuôi nhông thứ hai ở vùng cát Quảng Nam, trước đây có một mô hình nuôi nhông ở dạng hộ gia đình tại xã Tam Tiến (Núi Thành) cũng cho hiệu quả khá cao, nhưng chỉ dừng lại việc nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Nuôi nhông không sợ đầu ra, vì thịt nhông hiện rất hiếm trên thị trường. Ngay con đường An Hà - Quảng Phú, xã Tam Phú (Tam Kỳ) lân cận với vùng cát Tam Thanh, quán nhậu đặc sản thịt nhông mọc lên như nấm vẫn nườm nượp khách lui đến. Chị Ba, chủ quán ở đường An Hà - Quảng Phú nói : “Nhu cầu của “thượng đế” thưởng thức thịt nhông rất lớn. Cung không đủ cầu. Hôm nay, tôi mua nhông chủ yếu từ người dân chuyên bẫy nhông tự nhiên, nhưng không phải ngày nào họ cũng có nhông để bán. Một số nhà hàng đến đặt hàng, nhưng đành chịu vì không có nhông tiêu thụ”. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, nuôi nhông là mô hình chăn nuôi độc đáo ở vùng cát. Nếu thành công sẽ dần dần phát triển theo hướng quy mô. Tuy nhiên, để nông dân mạnh dạn đầu tư theo hướng phát triển hàng hóa, rất cần sự trợ giúp của cán bộ kỹ sư ngành chăn nuôi, lẫn nguồn vốn vay của ngân hàng.

Báo Quảng Nam

Kỳ nhông

Kỳ nhông (còn gọi là con dông) thường sống ở những động cát ven biển miền Trung. Chúng làm tổ trên cát, từ khi còn nhỏ đến khi thành phẩm khoảng 8-10 tháng nuôi. Thịt kỳ nhông là loại đặc sản ăn rất ngon, có giá bán khoảng 100.000 đồng/kg. 
Tuy nhiên, giống kỳ nhông trong tự nhiên không nhiều (khó bắt đủ lượng giống một lúc) lại khá đắt, khoảng 50.000 đồng/kg, chất lượng lại không đồng nhất, con nhỏ con to, trong khi đó kỳ nhông nuôi nhốt vẫn có thể sinh sản, nên xu hướng hiện nay người nuôi tự gây giống để nuôi. Kỹ thuật nuôi kỳ nhông cũng không khó: 
Làm chuồng, hồ nuôi 
Làm chuồng nuôi kỳ nhông không đơn giản, đòi hỏi phải luôn có cây xanh, ánh nắng, hồ nước, cát... như môi trường tự nhiên. Hồ nuôi kỳ nhông có xây tường rào xung quanh cao 1,2m, bên trên có viền láng 30cm để kỳ nhông không bò ra ngoài. Đáy hồ có lót gạch, giữa mỗi viên gạch để chừa các khe hở từ 3- 6cm cho nước rút, bên trên có đổ cát dày 0,6- 0,7m để kỳ nhông làm tổ. Có thể trồng cây, dựng chòi nhỏ bên trong hồ (cách tường rào 1m không cho chúng nhảy ra ngoài), để tạo bóng mát. 
Sinh sản 
Sau một thời gian nuôi, kỳ nhông bắt đầu đẻ trứng. Thường những quả trứng nào có đủ độ ẩm mới nở con. Những quả trứng rơi xuống đất dễ nở hơn những quả ở trên cao (do thiếu ẩm). Nuôi kỳ nhông từ lúc còn nhỏ đến khi động dục là 6 tháng. Mỗi lứa kỳ nhông cái đẻ được 3- 6 trứng, khoảng 1,5 tháng thì trứng nở, nuôi khoảng 1 tháng là có thể bán kỳ nhông giống 
Chăm sóc 
Thức ăn của kỳ nhông là các loại sâu, giun, các loại rau, củ (thải loại)... đặc biệt cho ăn thêm giá đậu kỳ nhông rất mau lớn. 
Hàng ngày cho kỳ nhông ăn và phun nước làm ẩm đất cát. Kỳ nhông ít bị bệnh dịch, dễ nuôi, dễ tiêu thụ, cho thu nhập kinh tế cao. 
Nguồn: Báo Nông thôn ngày nay