Thứ Năm, 27 tháng 8, 2009

Nuôi nhông ở vùng cát Tam Thanh

Mới thử nghiệm nhưng mô hình nuôi nhông (con dông) trên vùng cát Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) có nhiều khả năng sẽ cho thu nhập ổn định, gợi mở một mô hình chăn nuôi độc đáo của nông dân vùng cát.


Trang trại nuôi nhông của ông Ngô Văn Thận, thôn Thanh Tân, xã Tam Thanh khác lạ so với bao trang trại chăn nuôi khác, bởi loài nhông sinh sống chủ yếu trong lòng đất, chỉ nhô lên mặt đất những lúc kiếm ăn. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi nhông ở vùng cát tỉnh Bình Thuận, cách đây 3 tháng, ông Thận mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi nhông. Đầu tiên, ông bỏ ra 10 triệu đồng mua 1.000 con nhông giống và hơn 5 triệu đồng xây 100m2 tường gạch bao kín. 

Giống nhông của ông Thận một nửa là nhông ta và một nửa lai Nhật. Nhông nuôi khoảng 4-5 tháng, có thể xuất bán. Nếu thổ nhưỡng và nguồn thức ăn tốt, một con nhông có thể cho trọng lượng 0,5 - 0,7kg. Thức ăn cho nhông là rau quả các loại. Ông Thận cho biết: “Các loại thức ăn cho nhông đều tận dụng từ hoa màu. Nhông thời kỳ 1-2 tháng, gần như không tốn kém một đồng mua thức ăn. Nhưng từ tháng thứ ba trở lên, do thúc cho nhông chóng lớn để xuất bán ra thị trường, nên tốn khoảng hơn 10 nghìn đồng tiền mua thức ăn cho nhông mỗi ngày”. Theo lời ông Thận, nhông là giống có khả năng kháng bệnh cao, hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng cát Quảng Nam. Qua theo dõi, nhông ở vùng cát Tam Thanh sinh trưởng, chóng lớn không thua gì “xứ sở” nhông Bình Thuận. Hiện tại, 1kg nhông bán ra thị trường có giá dao động từ 250-300 nghìn đồng. Dù nhông của ông Thận mới 3 tháng tuổi, nhưng có con đã đạt khoảng 2,5 lạng. Ông Thận nhẩm tính: khoảng 5 -6 con nhông cho thịt 1kg, thì sẽ có lãi gấp đôi. Ước tính nếu xuất bán toàn bộ lúc này, đủ thu về không dưới 20 triệu đồng. “Nuôi nhông không sợ rủi ro như chăn nuôi nhiều con vật khác. Tôi đã làm thủ tục xin chính quyền địa phương cho một ít đất để mở rộng trang trại của mình quy mô lớn hơn. Nếu có vốn, sẽ nhân giống đàn nhông lên 5.000 con” - ông Thận cho hay.  

Đây là mô hình nuôi nhông thứ hai ở vùng cát Quảng Nam, trước đây có một mô hình nuôi nhông ở dạng hộ gia đình tại xã Tam Tiến (Núi Thành) cũng cho hiệu quả khá cao, nhưng chỉ dừng lại việc nuôi nhỏ lẻ, manh mún. Nuôi nhông không sợ đầu ra, vì thịt nhông hiện rất hiếm trên thị trường. Ngay con đường An Hà - Quảng Phú, xã Tam Phú (Tam Kỳ) lân cận với vùng cát Tam Thanh, quán nhậu đặc sản thịt nhông mọc lên như nấm vẫn nườm nượp khách lui đến. Chị Ba, chủ quán ở đường An Hà - Quảng Phú nói : “Nhu cầu của “thượng đế” thưởng thức thịt nhông rất lớn. Cung không đủ cầu. Hôm nay, tôi mua nhông chủ yếu từ người dân chuyên bẫy nhông tự nhiên, nhưng không phải ngày nào họ cũng có nhông để bán. Một số nhà hàng đến đặt hàng, nhưng đành chịu vì không có nhông tiêu thụ”. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, nuôi nhông là mô hình chăn nuôi độc đáo ở vùng cát. Nếu thành công sẽ dần dần phát triển theo hướng quy mô. Tuy nhiên, để nông dân mạnh dạn đầu tư theo hướng phát triển hàng hóa, rất cần sự trợ giúp của cán bộ kỹ sư ngành chăn nuôi, lẫn nguồn vốn vay của ngân hàng.

Báo Quảng Nam

3 nhận xét:

  1. Khi nào minh có thể đến xem mô hình chủ bạn được không?

    Trả lờiXóa
  2. Chào chú Thuần và anh Tâm nhông .Hôm trước có trao đổi với chú Thuần.Nhưng không biết vào mưa có thể thả nhông được không ?Chúng ta có thẻ không lót nền được không

    Trả lờiXóa
  3. Noi chung blog con ngheo lam. Thong tin thi cung khong co gi de nguoi khac thay hai long, day du.

    Trả lờiXóa